Blockchain có thể chấm dứt vấn nạn ‘kim cương máu’

Trong vài thập kỷ gần đây, thị trường kim cương và đá quý quốc tế đã tiến hành nhiều bước đi để loại trừ “kim cương máu” – kim cương đến từ các vùng đang có xung đột vũ trang, cũng như giải quyết các vấn đề như lao động trẻ em.

Blockchain có thể chấm dứt vấn nạn 'kim cương máu'

Tuy nhiên, ngay cả khi đã tồn tại các biện pháp như Quy trình Kimberley, gian lận và giả mạo vẫn là một vấn đề nhức nhối. Hiện nay, các công ty lớn như De Beers và Fura Gems đang tìm đến blockchain như một cách thức để giải quyết vấn đề này, một lần và mãi mãi.

Kim cương đến từ các vùng đang có xung đột vũ trang tiếp tục là một vấn đề nghêm trọng. Nó thường xảy ra khi quân nổi dậy hoặc quân chính phủ nắm quyền kiểm soát các mỏ đá quý (chủ yếu là tại Châu Phi) và sử dụng chúng để tài trợ cho các hoạt động bạo lực nhắm vào dân chúng.

Mặc dù blockchain được biết đến như là nền tảng của các đồng tiền mã hóa như Bitcoin, với khả năng hoạt động như một sổ cái phân tán và ghi lại bất kỳ loại giao dịch nào, các ngành từ tài chính đến chăm sóc sức khoẻ đang áp dụng công nghệ này cho những mục đích sử dụng rất khác nhau.

Vào đầu năm nay, De Beers – công ty khai thác, kinh doanh và tiếp thị trên 30% nguồn cung kim cương trên toàn thế giới – thông báo rằng họ sẽ tạo ra sổ cái blockchain đầu tiên với mục đích theo dõi các viên đá quý từ thời điểm chúng được khai thác cho đến khi chúng được bán cho người tiêu dùng.

Đây được coi là một phần quan trọng của quá trình marketing, vì người tiêu dùng đang ngày càng nhận thức rõ hơn các vấn đề liên quan đến kim cương máu, và yêu cầu nhà cung cấp đảm bảo rằng đá quý mà họ mua đến từ các nguồn có đạo đức.

Do công nghệ blockchain được hỗ trợ bởi các công nghệ mã hoá máy tính rất phức tạp, chỉ những người được cấp phép – trong trường hợp này là những người giám sát việc khai thác, cắt gọt và buôn bán đá quý – có thể nhập hoặc chỉnh sửa dữ liệu trên cơ sở dữ liệu blockchain. Điều này cung cấp sự đảm bảo mạnh mẽ về việc các viên đá có đến từ các vùng xung đột hoặc có liên quan đến lao động trẻ em hay không.

De Beers không phải là nhà khai thác duy nhất tìm đến blockchain để bảo vệ an ninh cho chuỗi cung ứng. Startup Everledger trước đây đã công bố nền tảng truy xuất nguồn gốc của họ, và Fura Gems – chuyên về các loại đá quý khác ngoài kim cương, đặc biệt là ngọc lục bảo và hồng ngọc, gần đây đã tiết lộ sáng kiến riêng của họ.

Vikram Pathak, chủ tịch của Fura, nói: “Công nghệ này có thể được sử dụng để quản lý chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp khai thác đá quý, trong viên đá có thể được theo dõi ngay từ điểm khai thác – trong trường hợp của chúng tôi là một viên ngọc lục bảo Colombia hay một viên hồng ngọc Mozambique – đến tận túi người tiêu dùng.”

“Và điều tuyệt vời khi sử dụng blockchain là mọi thứ đều phi tập trung – vì vậy bất cứ ai cũng có thể vào sổ cái, và xem đường đi của một viên đá, hay một bộ các viên đá nào đó.”

“Và nó mang lại cho lĩnh vực này sự minh bạch. Mọi người có thể vào và xem liệu có viên đá nào đó mà đường đi của nó có vấn đề hay không – có lẽ có một phần nào đó của quá trình theo dõi đã bị bỏ qua – điều này cho phép chúng ta đặt câu hỏi phải chăng viên đá này đến từ vùng xung đột, hay thậm chí liệu viên đá này có phải là đồ thật hay không.”

Việc kim cương, ngọc lục bảo hoặc hồng ngọc khai thác tự nhiên bị giả mạo bởi các loại đá nhân tạo là một vấn đề khác cản trở ngành này. Một hồ sơ xuất xứ blockchain cũng sẽ giúp giảm bớt vấn nạn này.

“Những gì chúng tôi có thể nói,” Pathak nói, “đó là các viên đá này đến từ một mỏ ở Colombia, được vận chuyển đến Ấn Độ để cắt và đánh bóng, sau đó được đóng trong một container lớn và chuyển giao cho một doanh nghiệp bán sỉ ở Thụy Sĩ, và từ đó chúng được gửi đến nhiều nhà bán lẻ ở Anh và Canada. Và chúng tôi đang theo dõi từng động thái của những viên đá này trên khắp thế giới và biết chính xác chúng đang đi đâu.”

Khi các blockchain có thể được tiếp cận công khai, bất cứ ai kể cả người tiêu dùng đầu cuối cũng có thể kiểm tra xuất xứ của viên đá và tự tin rằng hồ sơ không bị thay đổi bởi bất kỳ bên nào cố gắng kiếm lợi từ kim cương máu hoặc kim cương giả.

“Quy trình Kimberley đã làm được những điều tuyệt vời, nhưng nó vẫn còn rất lỏng lẻo đối với hoạt động gian lận và chúng ta thường xuyên thấy việc này xảy ra khắp nơi – Sierra Leone là một ví dụ điển hình, nơi có kim cương bị khai thác trái phép và nhiều người cố tình gian lận bằng cách cung cấp giấy tờ chứng nhận giả mạo.”

Mặc dù các sáng kiến ​​blockchain của De Beers và Fura vẫn còn trong giai đoạn đầu, thật tốt khi thấy công nghệ đầy tính cách mạng này có những ứng dụng thực tiễn và giải quyết được những vấn đề trong thế giới thực.

Mặc dù cách mà nhiều doanh nghiệp lợi dụng blockchain có thể coi như những động thái tiếp thị lộ liễu, thị trường đá quý rõ ràng có những vấn đề mà blockchain hoàn toàn phù hợp để giải quyết. Nếu các công ty lớn có thể thành công trong việc đưa ra các giải pháp sáng tạo như họ đã hứa, chúng ta có thể bắt đầu được thấy công nghệ blockchain được sử dụng đúng với tiềm năng của nó.

Theo Forbes
Biên dịch bởi PeergoPeer.com

The post Blockchain có thể chấm dứt vấn nạn ‘kim cương máu’ appeared first on Tin tức blockchain, bitcoin và cryptocurrency.

Nhận xét